LÀM 4 ĐIỀU NÀY KHI ĐI NGỦ, GIẢM 30 % NGUY CƠ ĐỘT QUỴ

Với người có nguy cơ đột quỵ cao do di truyền, “giấc ngủ chất lượng” dựa theo 4 tiêu chí có thể giúp giảm được tới 45% nguy cơ

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng JAMA Network Open cho thấy giấc ngủ tốt có thể là thần dược chống lại bệnh tim mạch và các biến cố liên quan, nhất là đột quỵ và ngay cả khi bạn gặp bất lợi về mặt di truyền.

Công trình được thực hiện bởi nhóm tác giả từ Trường Y tế công cộng Đại học Y khoa Đồng Tế thuộc Đại học Khoa học và kỹ thuật Hoa Trung, Trường Y tế công cộng Đại học Y khoa Quảng Châu và Bệnh viện Đa khoa Sinopharm Dongfeng (Trung Quốc).


Giấc ngủ đều đặn hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ. (Ảnh minh họa bởi AI)

Dữ liệu của 15.306 người tuổi trung niên, cao niên trên khắp Trung Quốc đã được thu thập.

Tổng cộng, có 3.669 trường hợp mắc bệnh tim mạch và gặp các biến cố liên quan, bao gồm 683 trường hợp đột quỵ được ghi nhận trong vòng 5 năm.

Các tác giả đã chia nhóm tình nguyện viên này theo mức độ nguy cơ di truyền về đột quỵ ở các mức không có nguy cơ tăng thêm, nguy cơ trung bình hoặc mức cao.

Ngoài ra, họ cũng được chấm điểm chất lượng giấc ngủ.

Những người có giấc ngủ tốt bao gồm 4 tiêu chí chính: Đi ngủ từ 22 giờ đến trước 0 giờ; ngủ từ 7 đến dưới 8 giờ mỗi đêm; chất lượng giấc ngủ tốt hoặc trung bình, ngủ trưa không quá 60 phút mỗi ngày.

Kết quả cho thấy những người ngủ tốt nhất, các yếu tố di truyền bình thường thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành (vốn làm tăng mạnh nguy cơ nhồi máu cơ tim) giảm 16%, nguy cơ đột quỵ giảm 34%.

Nếu có nguy cơ di truyền về đột quỵ ở mức trung bình, giấc ngủ tốt giúp giảm được 36% nguy cơ đột quỵ. Lợi ích giảm nguy cơ lên tới 45% ở những người có yếu tố di truyền đem lại rủi ro đột quỵ cao.

Để đạt được hiệu quả tối đa trong mỗi trường hợp, giấc ngủ tốt cần được duy trì liên tục, đều đặn.

Trước đó, ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy lối sống không lành mạnh, bao gồm cả thói quen ngủ kém, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch và các biến cố chết người có liên quan là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới, chiếm khoảng 33% tổng số ca tử vong theo thống kê toàn cầu gần nhất vào năm 2019.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *